Liệu các doanh nghiệp nhỏ có cần tiếp thị? Đó không chỉ là mối băn khoăn của riêng các doanh nghiệp nhỏ ở Việt Nam, mà gần như là ở khắp mọi nơi trên thế giới.
Cần thiết hay “xa hoa”?
Dành ngân sách cho tiếp thị là điều cần thiết hay đó là một sự xa hoa? Đó là nỗi đắn đo của nhiều người khởi nghiệp, khi đang có ý định “xông xáo” tiếp thị hình ảnh công ty mới của mình.
Nhiều người ngoài miệng nói cần thiết phải làm thế nhưng thực sự trong lòng không tin như vậy. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp nhỏ đã không chú trọng vào đầu tư tiếp thị từ những ngày đầu. Đơn giản vì doanh nghiệp cho rằng “mới khởi sự nên cần phải tiết kiệm, sau này có tiền sẽ đầu tư vào tiếp thị hay quảng cáo”.
Tuy nhiên, nếu đã suy nghĩ như thế thì bạn nên suy nghĩ thêm điều này. Một sản phẩm hay dịch vụ dù hoàn hảo đến đâu cũng không thể được nhiều người biết đến. Nói cách khác, nếu bạn không biết cách đánh động sự quan tâm của người khác về hàng hóa hay dịch vụ mà bạn đang có, thì làm thế nào bạn có thể mở cửa phục vụ mọi người?
Tất nhiên, vẫn có thể tồn tại lối kinh doanh truyền thống theo kiểu “hữu xạ tự nhiên hương”, nhưng thử hỏi giữa thời buổi tràn ngập hàng hóa và thông tin như hiện nay, nếu bạn không kịp thời cung cấp thông tin về sản phẩm của mình thì “tiếng lành” liệu có “đồn xa”?
Không riêng gì doanh nghiệp Việt Nam mới xem nhẹ việc tiếp thị ban đầu, ngay cả giới doanh nhân ở một quốc gia nổi tiếng về lề cách kinh doanh hiện đại như Mỹ cũng thế. Cách đây ít năm, người ta đã tiến hành khảo sát trên 100 công ty đang ăn nên làm ra ở Mỹ. Trong số những câu trả lời gửi về, ban tổ chức đã sửng sốt vì một đáp án không ngờ tới. Gần một nửa các công ty được thăm dò cho biết không có ngân sách chính thức cho tiếp thị, hoặc có bao nhiêu làm bấy nhiêu!
Vì thế khảo sát này đúc kết, chẳng lấy gì làm lạ khi có nhiều doanh nghiệp nhỏ không phát triển bao nhiêu so với ngày đầu khởi nghiệp. Do không có một công thức tiếp thị gắn kết với các phương pháp cụ thể, họ đã chẳng thể đạt được thành công mỹ mãn.
Trò chơi phần trăm
Tiếp thị cũng là một hình thức đầu tư. Bạn càng bỏ vào nhiều tiền, cách bạn đầu tư càng ổn định thì giá trị đầu tư của bạn sẽ lớn dần theo thời gian.
Trở lại cuộc khảo sát đề cập ở trên, phần lớn các công ty có dành ngân sách cho tiếp thị đều thực hiện theo cách trích phần trăm doanh thu cho tiếp thị. Khoản trích này dao động từ 1-12% hay hơn nữa. Chắc chắn lúc này bạn đang đặt câu hỏi “doanh nghiệp của tôi nên trích bao nhiêu phần trăm?”.
Không có một con số “nhiệm màu” áp dụng chung cho tất cả các trường hợp. Vấn đề ở đây tùy thuộc vào hình thái kinh doanh công ty bạn đang áp dụng. Chẳng hạn, nếu bạn kinh doanh siêu thị - doanh thu cao nhưng lợi nhuận chỉ ở mức thấp, khoản chi cho tiếp thị sẽ rất nhỏ (không thể cao hơn 1% hay 2%) vì bạn không cần tốn nhiều công sức để tạo ra “thay đổi lớn” (đã có sự hỗ trợ từ các nhà cung cấp).
Ngược lại, nếu lĩnh vực bạn kinh doanh thuộc “công nghệ cao” hoặc “hàng hóa đặc biệt” - doanh thu thấp nhưng lợi nhuận cao, bạn cần chi nhiều cho tiếp thị để thể hiện… đẳng cấp của mình!
Bỏ tiền ra cho đáng
Logo (biểu tượng công ty) chính là danh thiếp giới thiệu về công ty của bạn. Đó là thứ đầu tiên mà mọi khách hàng tương lai sẽ nhận xét về cách bạn làm ăn. Bạn muốn mọi người nghĩ về công ty mình là chuyên nghiệp hay nghiệp dư? Kẻ trốn nợ hay người làm ăn chân chính? Hấp dẫn hay vô vị?
Dĩ nhiên logo không phải là tất cả, nhưng ở một khía cạnh nào đó, logo sẽ thay bạn giao tiếp với khách hàng khi vừa tiếp cận. Vì thế, hãy bỏ tiền cho đáng để đầu tư thiết kế một logo thật chuyên nghiệp và ấn tượng. Nếu bạn không có niềm tin vào công ty mình để giới thiệu nó bằng một hình ảnh rực rỡ nhất qua logo, khách hàng đâu có lý do gì để đặt niềm tin nơi công ty bạn!
Hãy tiêu tiền thận trọng và khôn ngoan vào chi phí tiếp thị. Đừng quá chi li để rồi phải hối tiếc “khôn từng xu, ngu bạc vạn”. Nhiều năm về sau, khi nhìn lại những ngày đầu khởi nghiệp, bạn sẽ tự hào vì đã đi đúng hướng.
Theo TBKTSG
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
» CĐQTKD5A cảm ơn bạn đã giành chút time để đọc bài viết.
» Nếu có thắc mắc hay góp ý, bạn hãy để lại một nhận xét.
» Nếu thấy bài viết hay hãy chia sẻ với những người thân, bạn bè biết.
» Vui lòng đăng những nhận xét lịch sự và gõ tiếng Việt có dấu.
» Những lời comment thiện ý của bạn sẽ giúp trang CDQTKD5A ngày một phát triển!